Kế toán là một ngành nghề rất phổ biến và có tính ổn định cao, có vai trò quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ một tổ chức, doanh nghiệp nào. Khi tìm hiểu về ngành kế toán, câu hỏi “ngành kế toán là gì? Học ra trường làm gì?” nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phụ huynh và thí sinh.
Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành kế toán – một ngành nghề hấp dẫn không bao giờ lỗi thời trong nhóm ngành kinh tế, từ đó sẽ là cơ sở quan trọng giúp cho các bạn trong việc chọn ngành sau này. Bây giờ chúng ta sẽ cùng giải đáp lần lượt các câu hỏi “Ngành kế toán là gì? Học ra trường làm gì?” nhé.
Ngành kế toán là gì?
Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản về ngành Kế toán như sau: kế có nghĩa là liệt kê, ghi chép những của cải, tài sản, hoạt động của đơn vị, tổ chức; toán là tính toán, tính ra kết quả lao động mà còn người đạt được. Vậy kế toán là gì? Đó là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan,… Nói chuyên sâu hơn, kế toán là ngành thực hiện quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận động tài sản trong doanh nghiệp, tổ chức, từ đó cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho việc đưa ra những quyết định về kinh tế – xã hội và đánh giá hiệu quả các hoạt động trong doanh nghiệp.
Đối tượng chính của Kế toán chính là sự hình thành, biến động của tài sản mà kế toán cần phản ánh, được thể hiện ở hai mặt đó là tài sản và nguồn vốn trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Kế toán thường được chia thành hai lĩnh vực: kế toán công và kế toán doanh nghiệp.
Chọn học ngành Kế toán, các bạn sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ sở ngành như nguyên lý kế toán, kế toán quản trị, kế toán chi phí, kiểm toán,… đến các kiến thức chuyên sâu của ngành như Kế toán ngân hàng, Kế toán tài chính, Thuế, Kế toán công công ty chứng khoán, phân tích báo cáo tài chính, nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối,…
Về cơ bản, ngành Kế toán hiện nay được phân làm ba chuyên ngành chính: kế toán kiểm toán, kế toán ngân hàng và kế toán tài chính với nhiều bậc học khác nhau từ Trung cấp, Cao đẳng nghề, Cao đẳng đến Đại học. Vì là ngành học hấp dẫn nên kế toán hiện được đào tạo tại rất nhiều trường, tuy nhiên các trường đào tạo có uy tín, bài bản về ngành kế toán hiện không nhiều, có thể kể đến các trường sau: Đại học Kinh tế Quốc Dân,Học Viện Tài Chính, Đại học Kinh tế – Tài chính – UEF,…
Học ngành Kế toán ra trường làm gì?
Ngày nay, khi nói đến nhóm ngành kinh tế, chúng ta thường nghe nói rằng cơ hội việc làm không còn cao, nhu cầu nhân lực ít,.… nhưng nhận định như vậy là chưa đúng và chưa chính xác. Kế toán – một bộ phận không thể thiếu trong bất kỳ các tổ chức, doanh nghiệp nào từ tư nhân đến nhà nước. Do đó, thị trường việc làm và nhu cầu nhân lực của ngành này rất rộng lớn.
Tùy theo chuyên ngành và bậc học cũng như thế mạnh của bản thân, sau khi tốt nghiệp các bạn có thể làm được các công việc sau: Chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, thuế, giao dịch ngân hàng, kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính,… tại các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực trong cơ quan quản lý tài chính nhà nước, các đơn vị thuộc lĩnh vực công, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, ngân hàng; Nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên phòng giao dịch và ngân quỹ, nhân viên quản lý dự án tại các công ty chứng khoán, ngân hàng; Kế toán trưởng, trưởng phòng kế toán, quản lý tài chính, Giám đốc tài chính – CFO ở tất cả các loại hình doanh nghiệp trong nước và quốc tế; Nghiên cứu, giảng viên, thanh tra kinh tế,…
Từ các thông tin bài viết đã cung cấp, tin chắc rằng các bạn đã có cái nhìn tổng quan về ngành Kế toán cũng như đã có thể giải đáp được câu hỏi “Ngành kế toán là gì? Học ra trường làm gì?”. Tuy nhiên, bạn có phù hợp để theo học ngành này hay không, ngành kế toán xét những tổ hợp môn nào, điểm trúng tuyển của ngành khoảng bao nhiêu, những trường nào uy tín đào tạo ngành kế toán,… là những câu hỏi bạn phải tiếp tục trả lời nếu thực sự muốn theo đuổi ngành và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực kế toán trong tương lai.